ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ mới

Là đại học vùng trọng điểm Quốc gia, Đại học (ĐH) Đà Nẵng có sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, công nghệ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, trong đó thành phố Đà Nẵng được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW (ngày 24/01/2019) về xây dựng và phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trung tâm Thông tin-Học liệu và Truyền thông ĐH Đà Nẵng trân trọng giới thiệu nội dung trao đổi của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Thành uỷ viên, Giám đốc ĐH Đà Nẵng trên Cổng thông tin Điện tử thành phố Đà Nẵng (PV) về sứ mệnh, nhiệm vụ trọng tâm luôn được ĐH Đà Nẵng ưu tiên hàng đầu là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đóng góp phát triển vùng và đất nước. 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Thành uỷ viên,Giám đốc Đại học Đà Nẵng

PV: Là ĐH vùng trọng điểm Quốc gia, thời gian đến, ĐH Đà Nẵng có những định hướng, giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ: Thừa hưởng lợi thế đóng chân trên địa bàn Đà Nẵng, thành phố năng động, giàu tiềm năng và đang phát triển mạnh mẽ, ĐH Đà Nẵng luôn xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển vùng và đất nước, trước hết là đáp ứng nhu cầu nhân lực theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về mục tiêu đào tạo, ĐH Đà Nẵng đã chuyển hướng từ đào tạo nhắm đến việc làm sẵn có sang hun đúc tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo. Đó chính là đào tạo nên thế hệ sinh viên (SV) mới, có đủ phẩm chất, tư duy sáng tạo, có năng lực làm việc tự chủ, có khả năng dẫn dắt, lãnh đạo để không chỉ tự tạo việc làm cho mình mà còn đem lại nhiều cơ hội việc làm, khởi nghiệp vì cộng đồng. ĐH Đà Nẵng ưu tiên tập trung nâng cao chất lượng đào tạo để SV tốt nghiệp có thể chủ động thích ứng, hội nhập và có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong nước và quốc tế.


Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (bên trái) và Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ vinh danh Thủ khoa năm 2020 

Về ngành nghề đào tạo, ĐH Đà Nẵng định hướng dựa trên nền tảng giáo dục STEM (kết hợp giữa khoa học công nghệ - kỹ thuật và toán học), các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ nguồn và các dịch vụ có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, bám sát các lĩnh vực, ngành nghề như Nghị quyết số 43-NQ/TW đã chỉ rõ.

Chúng tôi đã từng tự hỏi vì sao chưa có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn đến đầu tư sản xuất tại Đà Nẵng cũng như các địa phương của miền Trung. Có nhiều nguyên nhân nhưng phải chăng, có nguyên nhân do nguồn nhân lực tại đây chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất mới?

Từ những trăn trở đó, chúng tôi đã điều chỉnh chiến lược, đề ra mục tiêu và giải pháp nhằm tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đó là, thứ nhất, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ hữu cơ, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của cả hai bên.


Nâng cao chất lượng đào tạo để SV chủ động thích ứng, hội nhập, đủ năng lực cạnh tranh  trên thị trường lao động trong nước, quốc tế

Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp đồng hành với nhà trường ngay từ khâu thiết kế chương trình, mở ngành đào tạo mới, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cử chuyên gia hướng dẫn SV thực hành để sớm tiếp cận công nghệ mới ngay trên giảng đường, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, giảm bớt thời gian, chi phí đào tạo để SV khi ra trường có thể hòa nhập, thích ứng nhanh với môi trường sản xuất, kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp.

Hai là, đưa các hoạt động đổi mới, sáng tạo trở thành nếp văn hóa của nhà trường. Những chuyển động tích cực, nhộn nhịp trong hoạt động khoa học công nghệ của thầy và trò ĐH Đà Nẵng thời gian qua đã cho thấy thành công bước đầu của chiến lược này. Số công trình, giải thưởng, công bố quốc tế về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của giảng viên, SV tăng mạnh.

Ngày càng xuất hiện nhiều ý tưởng, sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng, hữu ích, thiết thực giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Điều này đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Tăng cường hướng dẫn SV thực hành, thực tập, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn

Ba là, cần xúc tiến xây dựng “Đề án tổng thể quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực để phát triển Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII và các chương trình hành động của UBND thành phố.

Trước mắt, theo tôi, cần phối hợp chặt chẽ giữa “ba nhà”: doanh nghiệp dự báo, đặt hàng nhu cầu nhân lực; Nhà nước dự báo, quy hoạch các dự án đầu tư trọng điểm; nhà trường xác định ngành nghề, chỉ tiêu và tập trung đào tạo có địa chỉ sử dụng nguồn nhân lực, có lộ trình, phân kỳ đối với mỗi dự án trọng điểm, gắn với các địa chỉ “khát” nhân lực chất lượng cao, các đề án, dự án trọng điểm mà thành phố đang xúc tiến, triển khai.

PV: Để tạo ra nguồn nhân lực dồi dào, xin ông cho biết chiến lược đào tạo của Đại học Đà Nẵng?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ: Xác định chiến lược phát triển khoa học công nghệ  gắn với đổi mới sáng tạo, phục vụ nhu cầu phát triển các địa phương, doanh nghiệp, thời gian qua, ĐH Đà Nẵng đã có nhiều ký kết, thỏa thuận hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn lớn như Tập đoàn Ô-tô Trường Hải (THACO).

Đây là đối tác quan trọng, có truyền thống gắn bó với các trường thành viên trong hợp tác đào tạo nhân lực và đổi mới sáng tạo. Nổi bật như “Dự án nghiên cứu phát triển robot hàn khung vỏ xe” của các nhà khoa học thuộc ĐH Đà Nẵng đã được triển khai, ứng dụng hiệu quả tại THACO, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đổi mới công nghệ và giá trị cạnh tranh cho các dòng ô-tô trên thị trường trong và ngoài nước.

Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học tích cực dựa trên nền tảng giáo dục STEM

Vào tháng 10-2020, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Fujikin (Nhật Bản) triển khai dự án quốc tế xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Fujikin Đà Nẵng (Fujikin Danang R&D Center). Dự án được đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với tổng số vốn 35 triệu USD. Hai bên sẽ phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như: Thiết kế robot, chế tạo các thiết bị y tế thế hệ mới, triển khai công nghệ ứng dụng vật liệu, năng lượng sạch (Hydro, LED, Nano…), công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (AI, IoT…).

Phía Tập đoàn Fujikin sẽ đầu tư trang bị phòng thí nghiệm công nghệ cao phục vụ đào tạo, nghiên cứu phát triển tại Trường Đại học Bách khoa-ĐH Đà Nẵng. Fujikin cũng sẽ tuyển dụng các kỹ sư xuất sắc tốt nghiệp từ Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng để làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Fujikin Đà Nẵng. Từ năm 2020 đến nay, ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng cũng như các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng đã hợp tác, đầu tư với nhiều tập đoàn lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Mở các ngành đào tạo mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ nguồn, các ngành có nhu cầu nhân lực lớn

Đặc biệt, lần đầu tiên, ngay trước mùa tuyển sinh 2020, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đăng cai Lễ ký kết công bố phát triển các chương trình đào tạo kỹ sư cùng 06 trường ĐH đào tạo kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, thống nhất những nguyên tắc chung, chuẩn đầu vào, đầu ra trong các chương trình đào tạo kỹ sư phù hợp với Khung trình độ Quốc gia Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập trên thị trường lao động khu vực và quốc tế.

Việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho các chương trình đào tạo kỹ sư không chỉ có ý nghĩa khẳng định giá trị, chuẩn hóa văn bằng kỹ sư truyền thống mà còn giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng nguồn nhân lực chất lượng cao; người học được cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng, được kiểm định, đối sánh ngang tầm khu vực và quốc tế, nhờ đó gia tăng đáng kể cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Năm học 2020-2021, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng tiên phong mở mới ngành Kỹ thuật máy tính thuộc Khoa Điện tử - Viễn thông; chuyên ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo thuộc Khoa Công nghệ thông tin. Đây là những chuyên ngành hiện đại, cung cấp những tri thức nền tảng cho cách mạng công nghiệp 4.0 như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data)... Bên cạnh đó, Trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đã tuyển sinh ngành Kỹ thuật máy tính bắt đầu từ năm học này.

Hợp tác Nhà trường-Doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, giúp SV tiếp cận công nghệ tiên tiến

Ngành Kỹ thuật máy tính tập trung đào tạo các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về thiết kế và phát triển hệ thống phần cứng và phần mềm; hứa hẹn sẽ trở thành một trong những ngành đào tạo “hot” với nhu cầu cao trên thị trường lao động cạnh tranh trong nước và quốc tế. Các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng như: Trường ĐH Kinh tế, ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn,  ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Sư phạm Kỹ thuật… đều có những ngành đào tạo mũi nhọn, đáp ứng được nhu cầu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

PV: Nhằm tiếp tục sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai, ông cho biết những dự định tương lai của ĐH Đà Nẵng?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ: Thành phố còn nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút đầu tư. Vì vậy, cần có thêm nhiều giải pháp đột phá, cách làm mới, trong đó chú trọng bảo đảm môi trường đầu tư, tập trung thu hút các dự án trọng điểm, phát huy vai trò của các trường ĐH để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, dịch vụ sẽ tạo ra đột phá, giá trị gia tăng lớn, phù hợp với những định hướng đưa Đà Nẵng trở thành “trung tâm đổi mới sáng tạo”, “đô thị thông minh”.


Các ngành CNTT, khoa học máy tính cung cấp nguồn nhân lực để Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của đất nước 

Để phát huy tốt nhất vai trò, sứ mệnh của mình, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng mong muốn thành phố tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ, cùng thể hiện tiếng nói đối với Trung ương xúc tiến triển khai “Đề án thành lập ĐH Quốc gia Đà Nẵng” trên cơ sở ĐH Đà Nẵng và một số trường ĐH trên địa bàn, bao gồm cả Đề án sáp nhập Trường ĐH Quảng Nam trở thành trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng.

Sự ra đời của một ĐH Quốc gia tại Đà Nẵng không chỉ xuất phát từ bề dày truyền thống, tiềm lực và vị thế vững chắc của ĐH Đà Nẵng trong hệ thống giáo dục ĐH nước nhà mà còn từ yêu cầu cấp thiết, khách quan, sẽ là một đột phá đưa thành phố Đà Nẵng xứng tầm “trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á; là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ” như Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra”.


Sự ra đời của một ĐH Quốc gia tại Đà Nẵng là bướcđột phá để thành phố phát triển xứng tầm “trung tâm kinh tế-xã hội lớn" của cả nước và khu vực Đông Nam Á

ĐH Đà Nẵng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương tiếp tục ủng hộ, đồng hành giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án xây dựng ĐH Đà Nẵng tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) và phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Đây là một dự án lớn, tầm vóc Quốc gia, được Thủ tướng, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng hết sức quan tâm, ủng hộ. ĐH Đà Nẵng mong muốn có sự đồng hành từ các đối tác, doanh nghiệp công - tư, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tìm hiểu nhu cầu, phát triển hợp tác vì lợi ích chung trong tiến trình triển khai dự án này.

Đây chính là tiền đề, đòn bẩy quan trọng để ĐH Đà Nẵng thực sự xứng tầm một trong ba trung tâm ĐH của cả nước, ngang tầm khu vực và quốc tế, góp phần thu hút đầu tư, đem lại diện mạo mới, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng và cộng đồng doanh nghiệp.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN 

(Theo www.danang.gov.vn)

In
925 Đánh giá bài viết:
3.5