ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN

Phát huy vai trò, năng lực đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số

Tại Tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực (NNL) Công nghệ thông tin (CNTT) của thành phố Đà Nẵng vừa qua có sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện các Sở, ban, ngành, hiệp hội, trường đại học (ĐH) và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng (ĐHĐN) và các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc đã tham dự, đóng góp ý kiến tích cực thể hiện vai trò đào tạo NNL chất lượng cao (CLC) phục vụ Chiến lược phát triển, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số.


Toàn cảnh Tọa đàm Phát triển
NNL CNTT của thành phố Đà Nẵng

Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp-Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt-Hàn, ĐHĐN (VKU), thành phố cần tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng các trường ĐH trên địa bàn đào tạo, nâng cao chất lượng NNL phục vụ phát triển và ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số và xây dựng xã hội số. 

Cần huy động nguồn lực hình thành Quỹ Học bổng của thành phố, có chính sách hỗ trợ giảm học phí, bố trí chỗ ở (miễn phí) tại các ký túc xá cho sinh viên các ngành CNTT cũng như một số ngành đào tạo phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có nhu cầu cao về NNL. Đây sẽ là giải pháp góp phần thu hút học sinh, sinh viên của khu vực miền Trung cũng như cả nước về học tập, phát triển, đóng góp lâu dài cho nhu cầu của thành phố. 


PGS.TS.Huỳnh Công Pháp
Hiệu trưởng VKU chia sẻ tại Tọa đàm

Với vai trò, tiềm lực là trường ĐH hàng đầu của ĐHĐN đào tạo, cung ứng NNL lớn về CNTT phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên, trước hết là thành phố Đà Nẵng, VKU tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, mở các ngành đào tạo mới, phù hợp, cấp thiết, đáp ứng nhu cầu xã hội với sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng.

Từ đó sẽ thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết với thực hành, tăng thêm cơ hội trải nghiệm, thực tập và làm việc cho sinh viên nâng cao năng lực, phát triển tư duy, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm để sẵn sàng hành trang, chủ động thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp, cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường lao động trong nước, quốc tế, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp chia sẻ. 

PGS.TS. Lê Thành Bắc-Phó Giám đốc ĐHĐN
(thứ 2 trái sang) tham quan Phòng nghiên cứu, thực hành chuyển đổi số được doanh nghiệp
và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN đầu tư

Theo đại diện Sở Thông tin-Truyền thông thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2021, thành phố hiện có khoảng 44.000 nhân lực CNTT, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thiết kế, chuyển giao phần mềm và côngnghệ số. Dự báo như Đề án Quy hoạch chung giai đoạn 2022-2025, Đà Nẵng cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và tăng lên 8.000 nhân lực/năm trong giai đoạn 2026 – 2030. Nhu cầu cấp thiết đó đặt ra bài toán đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục đào tạo và các doanh nghiệp giải quyết hài hoà công tác dự báo, đào tạo, đảm bảo cung-cầu NNL, nhất là NNL CLC. 

PGS.TS Lê Thành Bắc-Phó Giám đốc ĐHĐN chia sẻ, sự phát triển "nóng" trong các ngành, lĩnh vực vềCNTT và chuyển đổi số đặt ra áp lực cho các trường ĐH cần có thời gian chuẩn bị về đội ngũ, tăng cường, đảm bảo cơ sở vật chất, nhất là đội ngũ giảng viên mới đáp ứng được yêu cầu về chỉ tiêu, quy mô tuyển sinh, đào tạo, nhất là chú trọng đảm bảo chất lượng, mặt khác cần có thời gian đào tạo đối với trình độ ĐH tối thiểu là 04 năm.


Doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp
tại IT JOB FAIR-2022 tổ chức tại
Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN

PGS.TS Lê Thành Bắc cho rằng, để đảm bảo cung-cầu NNL CNTT trong thời gian đến, một trong những giải pháp là cần chú trọng, tăng cường gắn kết hợp tác nhà trường-doanh nghiệp, phát huy trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, đồng hành, hỗ trợ Nhà trường từ khâu dự báo nhu cầu, đặt hàng đào tạo, tham gia xây dựng, góp ý, phản biện cập nhật nội dung các chương trình đào tạo; cùng với đó là hỗ trợ nguồn lực xã hội hoá để đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, cơ hội thực hành, tiếp nhận sinh viên thực tập, cử chuyên gia tham gia quá trình đào tạo; nâng cao hiệu quả sử dụng NNL đã qua đào tạo… 

Thời gian qua, ĐHĐN đã triển khai các thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum…), phát huy lợi thế, tiềm năng, tăng cường gắn kết với các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín, cựu sinh viên, học viên như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel;  VNPT; Tập đoàn Microsoft (mở Học viện Microsoft đầu tiên tại khu vực miền Trung); Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; các khu kinh tế mở Chu Lai, Dung Quất; Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; Viện Công nghệ Quốc tế Nhật Bản… 

Tăng cường hợp tác nhà trường-doanh nghiệp
giải quyết cung-cầu NNL CNTT, chuyển đổi số

ĐHĐN đã triển khai các chương trình đào tạo đặc thù, gắn kết với doanh nghiệp, trong đó có các ngành CNTT (từ năm 2018 đến nay) góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng thời lượng thực hành, thực tập cho sinh viên. Đây là những nỗ lực lớn khẳng định vai trò, sứ mệnh của ĐHĐN nói chung, các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc của ĐHĐN nói riêng trong đào tạo NNL CLC phục vụ phát triển, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu, xu thế mới. 

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

In
325 Đánh giá bài viết:
5.0