ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN

Vì một xã hội học tập, Học hiệu CCE đã trở thành một giá trị văn hóa

25/11/2021

Cách đây 25 năm, với sứ mệnh “bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn, nâng cao trình độ trong các lĩnh vực ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kinh tế, kỹ thuật, luật, quản lý nhà nước; tư vấn, xúc tiến phát triển các chương trình giáo dục thường xuyên của Đại học Đà Nẵng…”, Trung tâm Đào tạo Thường xuyên, (tên tiếng Anh là Centre for Continuing Education – CCE), thuộc Đại học Đà Nẵng, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 498/GDĐT thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị là: “Trung tâm Đào tạo – bồi dưỡng” và “Trung tâm Đào tạo tại chức và bồi dưỡng ngoại ngữ Đà Nẵng”.

Năm học 2020-2021, CCE vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua dành cho tập thể có thành tích xuất sắc.

Trong ảnh: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, thừa ủy quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trao cờ đến Ban Giám đốc CCE. Ảnh: T.N

Ngày 24/11/2021, Trung tâm Đào tạo thường xuyên (Đại học Đà Nẵng – CCE) đã kỷ niệm thành lập và đón nhận Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo trong suốt 25 năm, Trung tâm đã vinh dự được các cấp trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: 2 “Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo”; 6 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.Được biết, Hội đồng thi đua Nhà nước đang xem xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho CCE.

Vì một xã hội học tập, học hiệu CCE đã trở thành một giá trị văn hóa
Một trong những nội hàm quan trọng của xây dựng một xã hội học tập, chính là, xây dựng một hệ thống giáo dục bảo đảm cho mọi công dân đều được học tập suốt đời , và từ đó góp phần bồi dưỡng nguồn lực cho nhu cầu lao động ở nhiều khu vực. Từ khu vực công đến các thành phần kinh tế, các tổ chức …

Xuyên suốt chặng đường phát triển, CCE đã luôn ưu tiên chú trọng đào tạo để đáp ứng kịp thời, những yêu cầu ngày một tăng dần, cả về số lượng lẫn chất lượng nhân lực, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển của đất nước, đặc biệt là Miền Trung-Tây Nguyên.

Từ quy mô tuyển sinh buổi đầu chỉ vài trăm học viên mỗi năm, về sau, CCE đã tuyển sinh mỗi năm hàng nghìn học viên đại học hệ từ xa các ngành kinh tế, kỹ thuật, quản lý nhà nước, ngoại ngữ…. Hai năm 2008-2009,  thời kỳ mô hình đào tạo này phát triển rất mạnh, quy mô đào tạo CCE lên tới trên 16.000 học viên, mỗi năm tuyển mới hơn 5.000 HV.

Sau 25 năm xây dựng, phát triển, ngày nay, “Học hiệu CCE” đã là một giá trị văn hóa, một uy tín được khẳng định ngày càng rõ nét.

Gần 30.000 học viên hệ từ xa đã tốt nghiệp, kỹ sư, cử nhân tại CCE. Qua quá trình rèn luyện, phấn đấu, những học viên cần mẫn, chịu khó và rất hiếu học ngày nào, giờ đã trở thành những cán bộ kỹ thuật chủ chốt, những nhà quản lý giỏi trong nhiều lĩnh vực; những nhà giáo mẫu mực, nhà lãnh đạo uy tín của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, tổ chức xã hội trên cả nước.

Trung tâm chúng tôi kiên định rằng, trong mọi hoàn cảnh, vẫn phải luôn bảo đảm chất lượng đào tạo, không chạy theo số lượng, hay quy mô đào tạo. Còn khi hiện thực hóa mục tiêu đa dạng hóa hình thức đào tạo, CCE đã cùng giữ đúng những cam kết về chất lượng đào tạo chung của toàn Đại học Đà Nẵng. Và điều đó đã làm nên, đã khẳng định giá trị truyền thống cho học hiệu CCE” – Phó GS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng; Giám đốc CCE khẳng định.

PGS.TS. Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng; Giám đốc CCE, thay mặt lãnh đạo CCE tặng hoa tri ân những người thầy thuộc thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển Trung tâm, cũng như quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tạo điều kiện để CCE phát triển trong 25 năm qua.
Kể từ thứ hai, từ bên trái sang: GS.TSKH. Phan Quang Xưng nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm ; GS.TSKH. Bùi Văn Ga nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng ; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng.
(Giám đốc đầu tiên của Trung tâm là Cố GS.TSKH. Phan Kỳ Phùng- cũng Giám đốc đầu tiên của Đại học Đà Nẵng).ảnh: T.N

Thành công của mô hình đào tạo trực tuyến E-learning
Được biết, trong những năm đầu thành lập, CCE chỉ tổ chức đào tạo ngắn hạn, cấp các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ bồi dưỡng; từ năm 1999, Trung tâm bắt đầu tổ chức đào tạo trình độ đại học hệ từ xa các ngành kỹ thuật, kinh tế, ngoại ngữ và sư phạm.

Rồi từ một đơn vị giao nhiệm vụ tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đào tạo, quản lý học viên theo các phương thức và hình thức giáo dục thường xuyên; phối hợp với các đơn vị chức năng của Đại học Đà Nẵng, phối hợp với các đơn vị liên kết trong cả nước đặt các Trạm đào tạo từ xa, thực hiện mở ngành đào tạo, tổ chức tuyển sinh, quản lý giáo vụ; xây dựng chương trình, giáo trình, đảm bảo chất lượng đối với các hình thức giáo dục thường xuyên…. Sau 25 năm, ngày nay CCE đã khẳng định vị trí của một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, làm nên “Học hiệu CCE” có uy tín cao tại khu vực Miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, góp phần quan trọng triển khai chủ trương của Đảng về nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Và để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn của những học viên do điều kiện gia cảnh, môi trường công tác, không thể tham gia các chương trình đào tạo theo phương thức truyền thống, từ năm 2006 đến nay, CCE đã triển khai thêm phương thức đào tạo mới – đào tạo trực tuyến E-learning.

Ghi hình đào tạo E-learning tại CCE. Ảnh CCE chia sẻ.

“Đây là một xu thế đào tạo từ xa mà nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới đều đã áp dụng. Vào thời điểm năm 2006, CCE là một trong những đơn vị đã đi tiên phong trong đào tạo trực tuyến. Và CCE đã có những góp đáng trân trọng cho mô hình đào tạo này” – GS.TSKH Bùi Văn Ga nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, người đã quyết định cho CCE triển khai đào tạo E-learning năm 2006, và cũng là người đã ký Thông tư 10/2017 “đa dạng hóa các phương thức của loại hình đào tạo thường xuyên”, chia sẻ.

Tính đến nay, các chương trình đào tạo E-learning của CCE đã thu hút hàng vạn học viên trên toàn quốc.
Phương thức này qua 15 năm cho thấy rất phù hợp xu thế phát triển của thời đại, đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra hai năm qua. Một phương thức đào tạo thích hợp với tất cả những ai có nhu cầu học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, có thể học mọi lúc, mọi nơi.

Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, tình cờ biết một khóa học từ xa, đào tạo qua internet, chương trình có những ưu việt về phương pháp và nội dung đào tạo, tôi đã mạnh dạn đăng ký khóa học. Đó là khóa Cử nhân biên dịch do CCE, Đại học Đà Nẵng chiêu sinh. 

Thời điểm năm 2007, khái niệm “đào tạo qua mạng” còn rất mới mẻ, nhất là ở một tỉnh miền núi Hòa Bình, nơi tôi sinh sống. Tuy nhiên, tôi cũng sớm nhận ra, chỉ có đào tạo qua internet mới giúp người học có thể học ở mọi lúc, mọi nơi.

Chương trình cử nhân biên dịch tiếng Anh mà tôi đăng ký theo học tại CCE, là khóa học giúp học viên có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ, bao gồm lượng kiến thức ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, và cả về văn học, văn hóa của đất nước Anh, Mỹ. Ngoài ra, còn có cả kỹ năng, lý thuyết về dịch thuật…

Phương pháp biên soạn, cấu trúc bài giảng, bài tập và hỗ trợ của giảng viên đã giúp học viên có thể học tập tốt chuyên ngành mình đã chọn, dù người học thực sự rất bận rộn. Khoá học cử nhân biên dịch tiếng Anh đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc.

Không chỉ hoàn thiện một văn bằng về ngôn ngữ nước ngoài, tôi đã vận dụng tiếng Anh để phát triển năng lực bản thân, nắm vững một công cụ để hoàn thành nhiều công việc. Trong buổi đầu của thời kỳ hội nhập, đó cũng là phương tiện đã giúp tôi mở được cánh cửa, mạnh dạn vươn ra giao tiếp cùng bạn bè quốc tế” – Cựu học viên CCE, ông Bùi Xuân Trường (hiện là Phó Giám Đốc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình) bộc bạch cảm nghĩ.

Các Anh chị học viên nhận bằng tốt nghiệp, chụp ảnh kỷ niệm chung với các Thầy cô CCE. Ảnh CCE chia sẻ.

Học viên luôn là trung tâm của những quan tâm…
Trong nhiều câu chuyện được chia sẻ trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập CCE, nhiều học viên đã bày tỏ cảm xúc chân thành về một địa chỉ đào tạo “lấy chất lượng làm trọng” cũng như đã hết lòng quan tâm, chia sẻ, chăm sóc người học. CCE-còn là một địa chỉ đào tạo rất nhân văn …

Chị Trương Thị Anh Mỹ – Trưởng phòng Nội địa – Saigontourist, Cựu học viên khóa 25 – Lớp AV25.2B2 (2018 – 2021), chia sẻ:

Đại dịch mang tên Covid-19 làm đảo lộn mọi thứ. Trong nhiều ngành nghề bị vi rút Corona làm cho điêu đứng, thì có lẽ hoạt động du lịch của chúng tôi, ngay từ đầu mùa dịch, đã bị ảnh hưởng rõ nét nhất, nặng nề nhất. Đối với học viên là những hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi đang chới với khi hàng loạt tour du lịch bị hủy, thậm chí chủ trương không thực hiện tour lễ 30/4 trong khi mọi năm đây là đợt cao điểm du lịch trong năm …

Giữa lúc hoang mang, ngày 25/4/2020, chúng tôi nhận email thông báo về việc giảm học phí từ CCE. Đối với các học viên nói chung, thông báo này đã là sự quan tâm vô cùng kịp thời, dành cho những người vượt lên chính mình, vừa làm vừa học đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao của xã hội. 

Thông báo giảm 20% học phí cho “học viên bị mất việc hoặc tạm thời nghỉ việc không hưởng lương do dịch bệnh Covid-19, giảm thu nhập”, làm cho trong lúc khủng hoảng, tinh thần của mỗi đứa chúng tôi được vực dậy mạnh mẽ. Một niềm vui thật lớn.

Không chỉ đưa ra những hướng dẫn rõ ràng, đơn giản về thủ tục mà trung tâm còn chủ động, tích cực hỗ trợ, giải quyết nhanh chóng các thắc mắc để học viên thuận lợi trong nộp học phí sau miễn giảm; thậm chí nhận lại số tiền được giảm nếu đã vừa nộp trước đó. Chúng tôi, cá nhân tôi xúc động và cảm kích”.

Tập thể cán bộ, viên chức CCE hiện nay. Ảnh: CCE chia sẻ.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình đào tạo thường xuyên
Theo Phó GS.TS Lê Thành Bắc, trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà CCE đã xác định cần tập trung thực hiện sắp đến, thì ưu tiên hàng đầu vẫn là nhóm giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo từ xa. Bao gồm đầu tư tăng cường cơ sở vật chất nâng cấp công nghệ đào tạo trực tuyến, nâng cấp cơ sở dữ liệu. Đặc biệt, CCE sẽ mạnh dạnh triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình đào tạo thường xuyên.

“Nâng cao chất lượng đào tạo luôn là yếu tố cốt lõi, có tính quyết định uy tín học hiệu của Trung tâm, đảm bảo cho phát triển bền vững. Một trong những yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, xây dựng kho học liệu số phong phú” – Phó GS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng gửi gắm.

Cũng theo Phó GS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, đào tạo từ xa được coi là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy việc học tập suốt đời, góp phần cho phát triển. Trong kỷ nguyên số thì khoảng cách không gian sẽ được lấp đầy bằng công nghệ mới, vì vậy đây cũng là cơ hội để CCE phát triển.

CCE cũng vinh dự đón nhận Giấy khen của Giám đốc Đại học Đà Nẵng. Ảnh: T.N

Do vậy, với lãnh đạo CCE, để tranh thủ cơ hội phát triển ấy, CCE cũng sẽ ưu tiên nghiên cứu và kịp thời đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, nâng chuẩn chương trình đào tạo thường xuyên theo các chuẩn mực quốc tế, từng bước mở rộng liên kết quốc tế. Lần lượt, CCE sẽ thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn trong nước và khu vực.

“Chất lượng đào tạo, bao giờ cũng sẽ kiến tạo nên truyền thống tốt đẹp cho học hiệu, một hành trang đầy đủ, và đủ bản lĩnh, sẵn sàng đón nhận những cạnh tranh gay gắt về phương thức, hình thức và nội dung đào tạo trong tương lai.

Khi bản thân nguồn nhân lực cũng đòi hỏi yếu tố cạnh tranh trong tham gia thị trường lao động chung; hẳn nhiên các tổ chức, cơ sở đào tạo, trong đó có đào tạo thường xuyên, cũng sẽ cạnh tranh gay gắt về phương thức, hình thức và nội dung đào tạo.

Với CCE, sắp đến, với định hướng trở thành một địa chỉ “Đào tạo mở” đa ngành tầm cỡ khu vực, chúng tôi xác định phải không ngừng đổi mới mạnh mẽ hệ thống điều hành, quản lý, tăng tính chuyên nghiệp. Trên cơ sở cầu thị học hỏi, CCE sẽ từng bước áp dụng phù hợp mô hình quản trị của các trung tâm đào tạo tiên tiến trên thế giới” – Phó GS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng; Giám đốc CCE nói thêm về tầm nhìn phát triển từ này đến năm 2030.

Những định hướng phát triển của CCE đã và đang hội nhập vào lộ trình chung thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tri ân các Thầy từng giữ chức danh Lãnh đạo CCE. Ảnh: T.N

Đó là lộ trình đặt ra mục tiêu “tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030, mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng. Điều này góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0”.

Nhìn lại 25 năm đã qua, cũng chính CCE đã đóng góp một phần có ý nghĩa cho những nỗ lực “đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực” ấy.

“Câu chuyện về hàng vạn học viên đã tin tưởng và toàn tâm, toàn ý chọn Trung tâm là nơi để học tập và nghiên cứu, thì nói không ngoa, không quá lời tí nào, rằng: Trung tâm đã thể hiện được trách nhiệm với xã hội, hiện thực rõ nét chủ trương “Xây dựng xã hội học tập” của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đưa chủ trương này đi vào thực tiễn và nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao từ người học, cũng như cộng đồng xã hội”– TS. Trương Công Hào, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng & Đào tạo thường xuyên Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, một trong những đối tác của CCE nhấn mạnh trong chia sẻ của mình./.

CCE đã đóng góp một phần có ý nghĩa cho những nỗ lực “đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực”.

T.Ngọc

(nguồn https://dsa.org.vn)

In
762 Đánh giá bài viết:
Không có đánh giá